Emerald (Ngọc lục bảo)

1. Khái quát chung

Tên gọi xuất xứ từ tiếng Hy Lạp “Smaragdos” có nghĩa là đá màu lục, và được người Ba tư và người Hindu cổ xưa sử dụng; ở thời kỳ cổ đại nó không những ám chỉ emơrôt mà còn là tên gọi cho phần lớn các đá màu lục khác.

Loại đá này được sử dụng và ưa chuộng từ 4000 năm trước công nguyên (thời Babylon). Emơrôt là loại đá quý có tính thương mại đầu tiên của loài người, là biểu tượng của thần Venus, thời cổ nó cũng tượng trưng cho luật pháp, sức mạnh và tình yêu. Emơrôt là đá sinh nhật tháng năm.

Nơi tìm thấy emơrôt đầu tiên trên thế giới là ven biển Hồng Hải ở Ai cập, đó là mỏ Cleopatra. Mỏ này được khai thác suốt 200 năm trước công nguyên và phần lớn emơrôt sử dụng làm trang sức thời bấy giờ là do mỏ này cung cấp.

2. Thành phần hóa học và cấu trúc tinh thể

2.1. Thành phần hóa học: Giống beril, nguyên tố tạo màu là Cr, đôi khi là V.

2.2. Cấu trúc tinh thể: Giống beril

3. Các tính chất vật lý và quang học

3.1. Các tính chất vật lý

– Tỷ trọng: 2,67 – 2,78.

– Các tính chất khác giống beril

3.2. Các tính chất quang học

– Màu sắc: Emơrôt thường có màu lục tới lục đậm. Màu lục của emơrôt không gì sánh được vì thế được gọi riêng là “lục emơrôt”. Nguyên nhân tạo màu lục là do Cr2O3, đôi khi là vanadi (Va). Màu sắc rất ổn định dưới tác dụng của ánh sáng và nhiệt, chỉ biến đổi nhiệt độ 700 – 8000C.

Màu được ưa chuộng nhất là màu lục thắm, còn màu lục nhạt, vàng lục, lục tối ít chuộng hơn. Màu sắc trong viên đá thường phân bố không đều, mà tạo thành các sọc hoặc đám màu. Sắt cũng thường xuyên có mặt trong emơrôt và làm giảm sự phát quang của đá.

– Chỉ số chiết suất: 1,576 – 1,582.

– Lưỡng chiết: 0,006.

– Phổ hấp thụ: 6835, 6896, 6620, 6460, 6370, 6300, 5800, 4774, 4725.

– Tính phát quang: Phát quang màu đỏ. Dưới kính lọc Chelsea cũng cho màu đỏ. Sự phát quang này có thể bị giảm đi khi có mặt củ Fe, và có thể không phát quang.

– Đặc tính quang học: một trục âm.

4. Đặc điểm bao thể

Thông thường emơrôt chứa các bao thể tự nhiên như: bao thể lỏng với bọt khí và các bao thể cứng khác. Những bao thể đó là chứng cứ cho nguồn gốc tự nhiên của viên đá so với loại tổng hợp và mô phỏng.

– Bao thể rắn trong emơrôt:pyrit, sylvin, parisit (một khoáng vật đất hiếm), bao thể tinh thể âm định hướng song song với trục của tinh thể. Đặc biệt trong emơrôt hay có các màng sương nên người ta có tên gọi cho loại này là “emơrôt vườn cảnh” .

5. Các phương pháp xử lý và tổng hợp

– Emơrôt được tổng hợp trong công nghiệp chủ yếu bằng phương pháp nhiệt dịch và ít hơn là phương pháp chất trợ dung “flux”.

6. Nguồn gốc và phân bố

Các mỏ emơrôt chủ yếu gặp ở Colombia, Liên xô cũ, Brazil, Pakistan, Zimbabue, Indonexia, ở Úc và một vài nơi khác.

Hiện tại Việt Nam chưa phát hiện được emơrôt, nhưng các dấu hiệu địa chất ở một số vùng có thể cho phép phát hiện emơrôt trong tương lai.

7. Chế tác

Emơrôt chất thường được mài cắt theo kiểu cắt bậc, vát bốn góc tạo nên hình đa giác 8 cạnh và kiểu này được gọi là kiểu “emơrôt”. Kiểu chế tác này nhờ số lượng mặt facet ít tạo cho emơrôt thể hiện màu lục thắm một cách có hiệu quả nhất. Mặc dù trên thực tế có kiểu cắt hỗn hợp: trên là kiểu kim cương (brilliant), dưới là cắt bậc cũng dùng nhưng ít áp dụng vì nó làm cho viên đá quý trông giống như thuỷ tinh.
Emơrôt có chất lượng kém hoặc nhiều khuyết tật được mài kiểu cabochon làm thành các chuỗi hạt hoặc chạm khắc.

8. Đá giả, đá tương tự, đá nhân tạo và cách nhận biết.

8.1. Các loại đá tương tự:

Emơrôt có thể nhầm lẫn với các loại đá khác như demantoit (nhóm granat), peridot, tuamalin màu lục, uvarovit, diopxit, jadeit, saphia màu lục, fluorit. Đối với các đá tự nhiên trên, để phân biệt với emơrôt ta dựa vào tỷ trọng của chúng hoặc dựa vào chiết suất bởi vì tỷ trọng và chiết suất của các đá này cao hơn hẳn emơrôt.

8.2. Đá giả:

Đá ghép đôi giả emơrôt cũng có mặt trên thị trường, chủ yếu gồm hai mảnh đá tự nhiên nhạt màu (thạch anh, aquamarin, berin hoặc emơrôt màu nhạt) được gắn với nhau bằng loại nhựa có màu lục như “lục emơrôt”. Cũng có loại emơrôt màu nhạt được sơn dưới đáy nhằm tăng cường độ màu, sẽ khó khăn khi giám định nếu chúng được gắn trên nhẫn, tuy nhiên dùng kính phóng đại sẽ dễ dàng nhận ra lớp lót.

8.3. Đá tổng hợp:

Emơrôt tổng hợp xuất hiện trên thị trường từ năm 1950. Ngày nay có rất nhiều loại emơrôt được tổng hợp theo những phương pháp khác nhau. Tuy nhiên để phân biệt với emơrôt tự nhiên ta dựa vào các đặc điểm bao thể.
Các dạng bao thể đặc trưng cho emơrôt tổng hợp gồm các cấu trúc sinh trưởng dạng chữ “v”, các bao thể tàn dư của chất trợ dung, các bao thể phenakit không màu dạng kim, các bao thể dạng vân tay,…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây